Gửi vào: 14/12/2022     Cập nhật: 14/12/2022

Người Lao Động Theo Diện Di Chuyển Nội Bộ Doanh Nghiệp Đóng Bảo Hiểm Như Thế Nào?

Các nội dung sẽ trình bày: 

  • Di chuyển nội bộ doanh nghiệp là gì? 
  • Những trường hợp nào sẽ được làm giấy phép lao động, hoặc miễn giấy phép lao động theo diện di chuyển nội bộ doanh nghiệp? 
  • Người lao động nước ngoài theo diện di chuyển nội bộ doanh nghiệp đóng bảo hiểm  xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định như thế nào? 
  1. Di chuyển nội bộ doanh nghiệp là gì? 

Theo nghị đinh số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016, tại khoản 1 điều 3 quy định: 

“Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.” 

Theo nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020, tại khoản 1 điều 3 quy định có chút thay đổi về di chuyển nội bộ doanh nghiệp: 

“Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục. 

   2. Những trường hợp nào sẽ được làm giấy phép lao động, hoặc miễn giấy phép lao động theo diện di chuyển nội bộ doanh nghiệp?

Căn cứ vào khoản 1 điều 3 nghị định 152 thì di chuyển nội bộ doanh nghiệp là di chuyển người lao động nước ngoài, di chuyển tạm thời sang hiện diện thương mại tại Việt Nam. Hiện diện thương mại là gì? 

Hiện diện thương mại là phương thức cung ứng dịch vụ của một thành viên, thông qua việc thành lập một hiện diện thương mại ở lãnh thổ của một nước thành viên khác theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều I Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) của WTO. 

Hiện nay, có các hình thức hiện diện thương mại như sau: 

  • Thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam. 
  • Thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 
  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. 

Các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo diện di chuyển nội bộ doanh nghiệp, căn cứ tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP: 

"”3. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải." 

  1. Người lao động nước ngoài theo diện di chuyển nội bộ doanh nghiệp có phải đóng bảo hiểm không?

Đối với quy định về tham gia bảo hiểm ý tế đối với người lao động nước ngoài: 

Căn cứ vào luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014. 

Tại khoản 2 điều 1 có quy định: 

“Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.” 

Căn cứ vào điểm a khoản 1 điều 12  

“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);” 

Như vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế phải là đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động, có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên. Đối tượng lao động người nước ngoài theo diện di chuyển nội bộ doanh nghiệp do di chuyển nội bộ của doanh nghiệp, đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và đang làm việc cho công ty nước ngoài, lao động đó chỉ tạm thời được di chuyển qua hiện diện thương mại tại Việt Nam làm việc tạm thời. Do vậy đối tượng này không thực hiện theo hợp đồng lao động với hiện diện thương mại tại Việt Nam, không thuộc diện đối tượng phải tham gia bảo hiểm y tế. 

Về quy định tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài theo dện di chuyển nội bộ doanh nghiệp. 

Căn cứ nghị định số 143/2018/NĐ-CP. 

Tại khoản 1, khoản 2 điều 2 có quy định: 

“1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. 

  1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
  2. a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
  3. b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.”

Hiện tại, nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã được thay thế bằng nghị định số 152/2020/NĐ-CP hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021. (Căn cứ tại khoản 1 điều 29 nghị định 152/2020/NĐ-CP). 

Căn cứ vào khoản 1 Điều 17 nghị định số 143/2018/NĐ-CP. Hiệu lực thi hành 

"Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2018.” 

Như vậy, quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài phải có: “có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam” 

Đối tượng người lao động nước ngoài theo diện di chuyển nội bộ doanh nghiệp không có hợp đồng lao động đối với hiện diện thương mại tại Việt Nam, người lao động chỉ được công ty nước ngoài tạm thời cử qua hiện diện thương mại tại Việt Nam để thực hiện công việc. Do vậy người lao động nước ngoài có giấy phép lao động, hoặc không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo diện di chuyển nội bộ doanh nghiệp không phải tham gia bảo hiểm xã hội tại Việt Nam. 

Lao động
Công ty TNHH Luật Vina và Cộng Sự
Điện thoại: 0906847588
Luatvina10B@gmail.com